Cập nhật vào 03/06
Hiện nay các bạn trẻ khá ưa thích loại hình du lịch “phượt”, nhưng phượt cũng có dăm bảy loại: phượt xe máy, phượt xe đạp, phượt đi bộ… mỗi loại đều có những nét đặc trưng và thu hút riêng.
Trong bài viết này, Rong chơi miền Bắc sẽ giới thiệu đến các bạn một loại hình phượt: Phượt Trekking. Miền Bắc nước ta liệu có những địa điểm nào phù hợp để thực hiện loại hình phượt này?
1. Phượt Trekking là gì?
Trekking là một hình thức du lịch mạo hiểm. Người trekking chỉ có phương tiện di chuyển duy nhất chính là đôi chân của mình. Phải đi bộ, thường thì phải tự mang vác đồ và đi vào rừng, núi, bản làng xa trung tâm không có phương tiện giao thông; mất nhiều thời gian, vất vả, thậm chí là nguy hiểm.
Có thể nhiều người sẽ nhầm lẫn phượt trekking và hiking là một, điều đó không đúng.
Tuy rằng cả 2 loại hình phượt này đều là đi bộ trên những chặng đường dài, khó đi. Nhưng có một điểm khác nhau đó là:
- Hikking đi trên những con đường có sẵn: đường mòn, đường nhựa
- Trekking thì không phân biệt địa hình hay đường đi, quá trình trekking thường thực hiện trên các địa hình hiểm trở có nhiều thử thách, thậm chí nguy hiểm.
Nếu bạn muốn đi du lịch theo kiểu homestay, có thể tham khảo Một số điểm du lịch homestay miền Bắc
2. Phượt trekking cần chuẩn bị những gì?
Do phải tự di chuyển bằng đôi chân của mình trên những chặng đường dai, vắng vẻ, có thể nguy hiểm.. . nên việc chuẩn bị kỹ càng cho chuyến phượt Trekking là điều hết sức cần thiết.
Hãy nhớ: Không nên Trekking khi chưa chuẩn bị thật sự đầy đủ và sức khỏe cho phép.
Ba lô
Một chiếc ba lô chắc chắn là món đồ mà chúng ta không thể bỏ qua. Với một chiếc ba lô vừa phải, bạn sẽ cảm nhận được sự tiện lợi khi đeo trên lưng và mang theo những vật dụng cần thiết.
Giày
Một đôi giày tốt sẽ mang đến cảm giác thoải mái và bảo vệ đôi chân của bạn trên đường đi. Khi chọn giày, bạn cũng nên lựa đôi có độ bám tốt, bên trong mềm để không làm bạn bị đau chân.
Dao
Dao không những bảo vệ bạn trong những trường hợp bất trắc mà còn giúp chúng ta bổ gọt hoa quả, thức ăn một cách dễ dàng hơn.
Bình đựng nước
Để có sức đi qua những chặng đường dài, chắc chắn bạn cần bổ sung nước đầy đủ và thường xuyên. Bình đựng nước bằng kim loại không những giúp bạn đỡ khát mà còn có thể sử dụng khi muốn nấu ăn.
Lều và túi ngủ
Nghỉ ngơi là điều rất quan trọng để có sức khỏe đi tiếp trong cuộc hành trình. Việc ngủ ngoài trời thực sự không tốt bởi dễ gặp phải muỗi, các sinh vật tấn công hay sương gió, mưa. Vì vậy hãy mang theo lều và túi ngủ để đảm bảo giấc ngủ ngon và nhanh chóng phục hồi sức lực.
Lựa chọn cho mình chiếc túi ngủ, lều với chất liệu nhẹ nhàng và dễ dàng gấp nhỏ để thuận tiện khi mang theo.
Bản đồ và la bàn
Bạn cần mang theo bản đồ và la bàn để xác định phương hướng cho chuyến đi của mình, hạn chế rủi ro. Đây là hai món đồ tuyệt vời giúp bạn giữ được sự bình tĩnh và tự tin nếu chẳng may bị lạc.
Thức ăn
Chúng ta cần nhiều năng lượng khi trekking, nên bạn cần chuẩn bị đầy đủ thức ăn mang theo. Bạn có thể mang đồ khô, đồ hộp, những món có chứa năng lượng dồi dào và dễ bảo quản…
Dụng cụ y tế
Việc xây xát, té ngã khi băng rừng, lội suối… không phải là điều gì xa lạ với những chuyến trekking. Khi đó, bạn sẽ rất cần các dụng cụ y tế cần thiết nhưng băng bông, nước muối, gạc, thuốc sát trùng…
Đèn pin
Đêm buông xuống đồng nghĩa với có nhiều rủi ro gặp phải. Một chiếc đèn pin sẽ là vật dụng hữu ích cho bạn, giúp bạn nhìn rõ mọi thứ và cảm thấy an toàn hơn.
Điện thoại
Bạn nên mang theo điện thoại để có thể liên lạc với mọi người khi cần thiết. Trong trường hợp đi lạc, một chiếc điện thoại có thể phát huy tính hữu ích của mình khi giúp bạn kết nối với mọi người và tìm được lối ra dễ dàng hơn.
Băng dính
Vật dụng tuy nhỏ này nhưng lại có tác dụng lớn. Chúng sẽ giúp bạn gắn kết các đồ vật một cách dễ dàng để việc mang theo được thuận tiện hơn, tránh lủng củng, nhất là các vật dụng nhỏ. Ngoài ra trong trường hợp lều hay túi ngủ bị thủng, bị rách, băng dính sẽ giúp bạn làm kín các chỗ đó.
Máy ảnh
Để ghi lại những khoảnh khắc hay kỉ niệm đáng nhớ của chuyến đi thì một chiếc máy ảnh bỏ túi là điều không thể thiếu.
Dây thừng, dây nilon
Trong chuyến trekking, bạn sẽ phải leo trèo thám hiểm. Vì vậy dây thừng sẽ giúp bạn di chuyển dễ dàng hơn. Ngoài ra dây thừng hay dây nilon giúp bạn buộc lều trại, gói thức ăn.
Tham khảo thêm những kiểu du lịch khác tại: Các loại hình thức du lịch hấp dẫn
3. Miền Bắc có những địa điểm nào để Trekking
Núi Hàm Lợn tại Sóc Sơn – Hà Nội
Đây là địa điểm được đánh giá là cấp độ dễ, phù hợp cho những bạn mới đi theo con đường phượt Trekking còn non kinh nghiệm, đây là địa điểm được các phượt thủ trẻ chọn làm nơi tập dượt trước cho mình. Tham khảo cụ thể tại Tổng hợp kinh nghiệm phượt trekking núi Hàm Lợn, Sóc Sơn
Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 40 km, núi Hàm Lợn là điểm trekking cuối tuần lý tưởng cho nhiều người. Với độ cao 462 m, một thử sức vừa tầm dành cho chuyến trekking nhẹ nhàng, không quá khó khăn như leo đỉnh Fansipan hay Apacha của các phượt thủ mới vào nghề.
Dân phượt thường có hai con đường để chinh phục đỉnh núi.
- Cách thứ nhất và cũng dễ hơn là đi theo đường mòn bằng phẳng, ít bụi rậm và chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ.
- Cách thứ hai phù hợp với người ưa mạo hiểm là đi men theo suối. Thời gian di chuyển mất khoảng 4 giờ.
Bạn nên mang theo lều cắm trại qua đêm trên núi. Khi đó, bạn sẽ được ngắm khung cảnh đẹp ngỡ ngàng trong ánh bình minh hay hoàng hôn cuối ngày. Và được ngắm nhìn, thưởng ngoạn lúc bình minh lên trên đỉnh núi cao.
Rừng nguyên sinh Tam Đảo – Vĩnh Phúc
Nằm ở phía Bắc huyện Tam Đảo, thị trấn Tam Đảo được bao bọc bởi rừng nguyên sinh Quốc gia Tam Đảo, có khí hậu trong sạch, mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 18°C. Là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… Từ lâu Tam Đảo đã là địa điểm của nhiều phượt thủ đến tập dượt cho các buổi trekking mạo hiểm hơn.
Tam Đảo có phong cảnh núi non hùng vĩ, bao quát cả một vùng đồng bằng Bắc bộ rộng lớn. Khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình là 18°C – 25°C.
Mùa hè từ tháng 5 đến tháng 9 nhiệt độ tại các tỉnh đồng bằng thường oi bức từ khoảng 27°C – 38°C thì Tam Đảo là nơi nghỉ mát lý tưởng với sự luân chuyển rõ rệt 4 mùa trong một ngày. Buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nóng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu, buổi tối lạnh giá của mùa đông. Với những gợi ý rõ ràng như vậy, bạn đã biết nên đi Tam Đảo vào mùa nào chưa ? Tham khảo thêm tại Kinh nghiệm trekking Tam Đảo dành cho dân phượt
Điểm cực tây Apachai (Điện Biên)
Được biết tới là điểm cực Tây của Việt Nam, Apachai nằm tại xã Xín Thầu – huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Đây là ngã ba biên giới đặc biệt của Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Đường đi không quá khó khăn như Fansipan nhưng địa danh này cũng khiến nhiều người phải ngán ngẩm. Và đặc biệt là nơi mà các phượt thủ muốn trải nghiệm và chinh phục bằng các kinh nghiệm đường trường. Việc chinh phục cột mốc này thường diễn ra trong ngày. Tùy điều kiện thời tiết, bạn sẽ mất 3-5 tiếng leo lên và xuống.
Sau hành trình dài vượt qua những đồi cỏ tranh cao quá đầu người hay khu rừng nguyên sinh, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng cột mốc lịch sử. Phần cột mốc Apachai nằm trên độ cao 1.400 m so với mặt nước biển, làm bằng đá hoa cương với bệ đỡ vuông quay mặt về ba hướng. Từng mặt đều khắc tên nước bằng chữ quốc ngữ và quốc huy của mỗi quốc gia. Xem thêm tại Kinh nghiệm phượt trekking điểm cực Tây A Pa Chải
Núi Yên Tử – Quảng Ninh
Các phượt thủ có thể lên núi Yên Tử bằng hai cách: Theo đường cáp treo hiện đại vượt quãng đường trên 1,2 km lên tới độ cao 450 m gần chùa Hoa Yên. Với cách này có thể ngắm nhìn toàn cảnh rừng núi Yên Tử từ trên cao với những cây tùng, đại hàng trăm năm tuổi xen lẫn trong những rừng cây xanh tươi và hít thở không khí trong lành. Hoặc, theo đường đi bộ dài trên 6 km đã được gia cố bởi hàng nghìn bậc đá xếp, len lỏi theo lối mòn vượt qua bạt ngàn cây cỏ, dưới tán rừng trúc, rừng thông.
Và bắt đâu cuộc hành trình khám phá Yên Tử từ suối Giải Oan đến chùa Hoa Yên nằm ở độ cao 534m. Qua khỏi chùa Hoa Yên một đoạn thì có ngôi chùa nằm chênh vênh bám vào lưng vách núi. Đó là chùa Một Mái (hay Bán Mái), tên chữ là Bán Thiên Tự (chùa nằm giữa lưng trời). Và điểm đến cuối cùng là Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Tử cao 1.068 mét, được khởi dựng vào thời nhà Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin cho chuyến đi tại Kinh nghiệm chinh phục núi Yên Tử dành cho dân phượt trekking
Fansipan – Lào Cai
Mặc dù đỉnh núi Fansipan đã được lắp hệ thống cáp treo, giúp khách du lịch đến được đỉnh núi nhanh chóng và dễ dàng, nhưng niềm vui khi chinh phục đỉnh núi này bằng cách truyền thống vẫn thu hút nhiều người thực hiện.
Fansipan là đỉnh núi cao nhất Việt Nam và Đông Dương, đồng thời được đa số dân phượt xem như mục tiêu trong những chuyến đi. Với độ cao 3.143 m, bạn có thể chinh phục ngọn núi bằng 3 đường khác nhau. Con đường dễ nhất là xuất phát từ Trạm Tôn đến đỉnh và trở về cũng bằng lối này. Thời gian chuyến đi kéo dài 2-3 ngày.
Cách thứ hai kéo dài khoảng 4 ngày với đoạn đường dài 19,5 km, bắt đầu từ “sống lưng” dãy Hoàng Liên. Cũng xuất phát từ Trạm Tôn, nhưng đường về lại theo thung lũng Mường Hoa, suối Cát Cát và đi dọc theo sườn đông của dãy Hoàng Liên.
Đường thứ ba khó khăn hơn khi xuất phát từ Dốc Mít, Bình Lư đến đỉnh. Đây là hành trình rất nguy hiểm và chỉ dân leo núi chuyên nghiệp với đầy đủ trang thiết bị mới dám đi.