Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Phượt trekking cực Tây A Pa Chải và những điều bạn cần biết

0

Cập nhật vào 18/04

A Pa Chải là 1 trong số những địa điểm phượt ở miền Bắc được các bạn trẻ yêu thích và muốn chinh phục. Tuy nhiên chinh phục A Pa Chải không phải dễ. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho bạn kinh nghiệm khi đi phượt cực Tây A Pa Chải và những điều bạn cần lưu ý.

1. A Pa Chải ở đâu?

A Pa Chải là một bản thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên, Việt Nam. Trước đây bản A Pa Chải là bản ở cực Tây trên đất liền của miền bắc Việt Nam. Tên “A Pa Chải” được dùng đặt cho tên đồn biên phòng và cho cửa khẩu A Pa Chải.

Hiện nay từ bản A Pa Chải đã tách và lập ra bản Tá Miếu thuộc xã Sín Thầu, và là bản cực Tây thật sự ở miền bắc Việt Nam. (Theo vi.wikipedia.org)

Kinh nghiệm trekking A Pa Chải, Điện Biên

Để đến được cao điểm cực Tây này, cần phải vượt qua ít nhất 500 km từ Hà Nội lên thành phố Ðiện Biên Phủ, rồi tiếp tục chặng đường núi gập ghềnh, quanh co thêm chừng 260 km nữa mới vào đến xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, nơi có đường biên giới tiếp giáp giữa ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc. Từ đây, ta tiếp tục xuôi theo con đường nhựa xuyên Mường Nhé là đến A Pa Chải. Vào mùa khô đường đến A Pa Chải tương đối dễ đi, nhưng vào mùa mưa, những cung đường trở nên rất khó khăn, thậm chí rất nguy hiểm.

Đường lên A Pa Chải khám phá cực Tây Tổ quốc

Nơi đây chủ yếu là người Hà Nhì và một số dân tộc thiểu số khác sinh sống. A Pa Chải trong tiếng Hà Nhì có nghĩa là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn.

Khí hậu 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 4 – 10. Mùa khô từ tháng 11 – 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình 21 – 23 độ C.

2. Cực Tây A Pa Chải

Nằm ở phía tây Tây Bắc bản A Pa Chải cách cỡ 8 km theo đường thẳng, là cột mốc số 0 (không số) có tọa độ 22°23’53″N 102°8’51″E, nằm trên đỉnh núi Khoan La San  cao 1864 m so với mực nước biển thuộc xã Sín Thầu huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, là điểm cao đặt cột mốc biên giới 3 nước Trung Quốc, Việt Nam và Lào. Nơi này được mệnh danh là “1 con gà gáy cả ba nước đều nghe thấy”. Điểm cao này cách tỉnh lỵ Điện Biên Phủ khoảng 250 km.

Kinh nghiệm chinh phục cực Tây A Pa Chải

Cột mốc được 3 quốc gia thống nhất cắm mốc vào ngày 27/6/2005, được làm bằng đá granit, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài cùng là khối vuông diện tích 5x5m, cột cao 2 mét có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia. (Theo vi.wikipedia.org)

3. Nên đi phượt A Pa Chải vào thời điểm nào?

Thời điểm tốt nhất để đi A Pa Chải là vào mùa khô, khoảng từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch. Vào thời điểm này, đường không bị sạt lở hay trơn trượt, thuận lợi cho việc di chuyển. Trong đó, khoảng thời gian này cũng là tháng 2 Âm lịch, là lúc diễn ra lễ hội Cúng bản đầy hấp dẫn của người Hà Nhì.

Ngoài ra, bạn cần tránh đi A Pa Chải vào các dịp lễ 30/4, 2/9, vì vào thời điểm này, có khá nhiều khách đi du lịch Điện Biên và đến đây, sẽ không thuận lợi trong việc ăn ở hay lựa chọn chỗ nghỉ ngơi của bạn.

4. Phương tiện di chuyển lên A Pa Chải

Xe máy

Phương tiện tốt nhất để khám phá và chinh phục A Pa Chải là xe máy. Từ Hà Nội, bạn đi theo quốc lộ 6, qua thị xã Hòa Bình, Cao Phong, thị trấn Mộc Châu, Yên Châu, Lai Châu, Thuận Châu, Tuần Giáo, qua quốc lộ 279 đến Điện Biên Phủ. Từ đây, tiếp tục di chuyển lên Mường Chà, Mường Nhé là đến A Pa Chải.

Phượt A Pa Chải bằng xe máy

Hoặc tại Lào Cai, du khách có thể chọn xe máy đến Sa Pa, qua đèo Ô Quy Hồ, Tam Đường, Phong Thổ. Tiếp tục theo đường 12 tới Sìn Hồ, Mường Lay, Mường Chà, Mường Nhé, A Pa Chải.

Xe ô tô

Bạn có thể bắt xe giường nằm tại hai bến xe Mỹ Đình và Giáp Bát, xe giường nằm đi Điện Biên chạy hàng ngày, thời gian xe chạy vào khoảng 13 – 14 tiếng. Đi bằng xe giường nằm có một lợi thế nữa là có thể gửi xe máy kèm theo. Giá tham khảo: 350k-400k/ người.

Máy bay

Nếu bạn không có sức khỏe cũng như muốn tiết kiệm thời gian thì hãy đi bằng đường hàng không, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian di chuyển so với các phương tiện khác. Hiện nay Vietnam Airlines đã có chuyến bay từ Hà Nội đến sân bay Điện Biên, đi bằng máy bay thời gian sẽ được rút ngắn xuống chỉ còn 1 giờ đồng hồ.

5. Thủ tục xin phép khi tới A Pa Chải

Trước đây, lên A Pa Chải cần có giấy xin phép của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Điện Biên. Hiện nay, bạn chỉ cần chuẩn bị giấy tờ tùy thân như CMND hoặc hộ chiếu, bằng lái xe… Nếu đi theo đoàn đông, bạn nên cẩn thận xin giấy giới thiệu từ công ty.

Đồn biên phòng A Pa Chải

Đồn biên phòng A Pa Chải

Một số quy định về cư trú, đi lại và hoạt động khu vực biên giới, các bạn nên đọc để tránh trường hợp không mang đầy đủ giấy tờ rồi không được phép ở lại.

  • Khi vào khu vực biên giới, lưu ý cần phải có CMND hoặc giấy tờ do công an xã, phường thị trấn nơi cư trú cấp.
  • Người nước ngoài đang công tác tại các cơ quan Trung ương khi vào khu vực biên giới phải có giấy phép do Bộ Công an cấp. Nếu người nước ngoài đang tạm trú tại địa phương khi vào khu vực biên giới phải có giấy phép do công an cấp tỉnh nơi tạm trú cấp.
  • Người, phương tiện của Việt Nam và nước ngoài đủ điều kiện vào khu vực biên giới,vành đai biên giới nếu ở qua đêm phải đến cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn hoặc đồn công an sở tại đăng ký quản lý tạm trú theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ khẩu.
  • Trong thời gian ở khu vực biên giới, mọi hoạt động phải chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội biên phòng, công an, chính quyền địa phương.

6. Phượt A Pa Chải cần chuẩn bị những gì?

Ngoài thuốc men, áo mưa, điện thoại, máy ảnh…, bạn nên chuẩn bị thêm các vật dụng sau đây:

  • Bọc khớp mắt cá (bọc gót) và đầu gối. Vật dụng này giúp bạn tránh khỏi bị chấn thương khi va chạm và giữ khớp xoay đúng vị trí khi xuống núi.
  • Nước muối nhạt sẽ giúp bạn không bị mất nước. Lưu ý chỉ nên uống mỗi lần một ngụm nhỏ và ngậm ở cổ họng trước khi nuốt. Không nên uống liên tục.
  • Găng tay gai bảo vệ để không bị gai hay cỏ tranh cào.
  • Đồ ngọt sẽ duy trì sức khỏe cho bạn trong suốt hành trình.
  • Nên chọn trang phục leo núi dài tay, gọn gàng, giày đế kếp chống trơn trượt tốt. Hãy tuân theo hướng dẫn của các đồng chí Biên phòng để đảm bảo an toàn cho mình và đoàn nhé.

Ngoài ra khi đi phượt A Pa Chải bạn cũng cần lưu ý:

  • Nên chuẩn bị cơm trưa nếu bạn không đăng ký tại đồn biên phòng.
  • Giữ vệ sinh chung tại nơi bạn lưu trú cũng như dọc đường những nơi bạn đi qua, đặc biệt là đồn biên phòng hay bản Sín Thầu.
  • Thời gian lên cột mốc mất khoảng 4h và thời gian xuống là 3h. Do vậy, để thuận tiện cho việc đi lại, nghỉ ngơi, bạn nên bắt đầu hành trình vào buổi sáng.
  • Sẽ mất khoảng 2 tiếng làm thủ tục. Thời gian bắt đầu làm việc của Bộ chỉ huy biên phòng tại Điện Biên là 8h sáng.

7. Hành trình phượt Trekking chinh phục cực Tây Tổ Quốc

Điều thú vị khi chinh phục A Pa Chải là thay vì việc bạn phải thuê người bản địa dẫn đường, thì sẽ được các chiến sĩ của đồn biên phòng 317 làm hoa tiêu chỉ lối.

Kinh nghiệm trekking A Pa Chải, Điện Biên

Từ đồn 317 đến cột mốc số 0 chỉ cao khoảng 5km, nhưng bạn phải bộ hành tới hơn 15 cây số với khoảng 4 -5 tiếng băng rừng, vượt suối mới đến được nơi. Đây không chỉ là hành trình thử thách sức khỏe mà còn thử thách cả ý chí, sự kiên trì của người chinh phục.

Con đường trekking A Pa Chải, Điện Biên

Vào mùa khô, đường lên A Pa Chải có phần dễ đi hơn, bởi mùa mưa con đường sẽ trở nên trơn trượt. Tuy nhiên mùa này có mây mù ngập lối, luôn cho ta có cảm giác âm u, ẩm ướt của cánh rừng già. Bởi vậy, tuy không mưa nhưng con đường nhỏ hẹp, khúc khuỷu, gập ghềnh sẽ trở thành thử thách đáng gờm của bất kỳ ai mê chinh phục.

Với độ dốc lớn, bạn sẽ phải đi thẳng một mạch chứ không thể vừa đi vừa nghỉ, đôi khi phải nhặt cây làm gậy, bám dây leo để cố đu lên.

Bắt đầu chinh phục A Pa Chải bằng sức người đoạn đường leo cột mốc A Pa Chải có thể chia làm 2 chặng: nửa đầu đường tương đối khó leo, đặc biệt là 2 chặng núi đá ban đầu, rất ít gờ, khi leo có nhiều đá nhỏ rơi ra đoạn đường này cao và dốc liên tục nên rất mất sức (đồng nghĩa với giảm nhuệ khí và nản tinh thần).

Con đường trekking cực Tây Tổ quốc A Pa CHải

Con đường tiếp theo khi đi hết đoạn đường này là đường mòn xuyên qua rừng cỏ tranh, các bạn lưu ý choàng 1 áo sơ mi mỏng dài tay để tránh cỏ cứa vào tay vì cỏ rất sắc. Kinh nghiệm leo thì cũng giống Fan thôi, leo bước nhỏ để giữ sức, mỗi lần uống nước thì uống từng hớp nhỏ và kiềm chế để không bị háo nước. Chống chỉ định khi đi leo núi là có thành viên mè nheo sẽ giảm khí thế của cả đoàn, và lưu ý không nên nghe nhạc bolero nhé.

Chặng sau của hành trình leo núi nhẹ nhàng hơn, những con dốc ngắn lại, thấp hơn, thay vào đó là con đường mòn xinh đẹp xuyên qua những tán cây và rặng hoa rừng. Gần gũi với thiên nhiên cây cỏ với tiếng chim hót vang khắp rừng núi, tiếng suối róc rách chảy làm xua tan bớt những mệt nhọc ban đầu.

Cực Tây A Pa Chải - Cột mốc số 0

Sau hành trình dài vượt qua những đồi cỏ tranh cao quá đầu người hay khu rừng nguyên sinh, bạn sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng cột mốc lịch sử. Phần cột mốc A Pa Chải nằm trên độ cao 1.400 m so với mặt nước biển, làm bằng đá hoa cương với bệ đỡ vuông quay mặt về ba hướng. Từng mặt đều khắc tên nước bằng chữ quốc ngữ và quốc huy của mỗi quốc gia.

Đến đây bạn sẽ được chứng kiến nghi thức chào và kiểm tra mốc số 0 của các chiến sĩ của đồn biên phòng A Pa Chải.

Leo lên vất vả là vậy nhưng đoạn đường xuống núi thì đơn giản hơn nhiều, một mẹo là cứ tự tin chạy bước nhỏ xuống dốc sẽ rất nhanh và đỡ tốn sức.

Đường đi đến A Pa Chải

Nếu bạn muốn chọn cho mình chuyến trekking ít khó khăn hơn, hãy thử với chuyến đi phượt trekking Tam Đảo, một địa điểm khá gần Hà Nội.

Trên đây là một số kinh nghiệm đi phượt trekking cực Tây A Pa Chải dành cho các bạn tham khảo. Chúc các bạn có 1 chuyến đi phượt A Pa Chải vui vẻ và ý nghĩa.

5/5 - (1 bình chọn)
Share.

Comments are closed.