Đăng bài - Hoặc quảng cáo vui lòng liên hệ TVN Group - hệ thống website chất lượng cao:

0972434351tvnseos@gmail.comZalo

Khám phá làng cổ Đường Lâm và thành cổ Sơn Tây trong 1 ngày

0

Cập nhật vào 21/12

Làng cổ Đường Lâm và thành cổ Sơn Tây vừa là di tích nổi tiếng vừa là địa điểm du lịch gần Hà Nội nhiều người tìm đến bởi những nét độc đáo riêng của nó. Nếu bạn muốn đi du lịch gần Hà Nội, cùng tham quan làng cổ Đường Lâm và thành cổ Sơn Tây vào một ngày cuối tuần để khám phá những nét đẹp đã hấp dẫn bao người ấy.

Khám phá làng cổ Đường Lâm và thành cổ Sơn Tây trong 1 ngày 2

Là những di tích lâu đời quý giá nhất trên địa bàn thị xã Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm và Thành cổ Sơn Tây vẫn được biết đến nhiều bởi kiến trúc độc đáo từ đá ong.

Du lịch làng cổ Đường Lâm

Ra khỏi nội thành Hà Nội khoảng 50km, theo hướng đại lộ Thăng Long hãy tìm về không gian yên sơ, trong lành của làng Đường Lâm, làng cổ đầu tiên và xa xưa nhất Việt Nam. Trong toàn bộ làng còn 956 ngôi nhà cổ trong đó nhiều ngôi nhà có niên đại hơn 100 năm. Đến nay mặc dù đã có nhiều thay đổi nhưng Đường Lâm vẫn là vùng đất cổ kính với những ngôi nhà đậm dáng kiến trúc xưa, với những bức tường làm bằng đá ong lâu đời. Mảnh đất như gợi lại một miền ký ức giữa cuộc sống thường nhật.

Khám phá làng cổ Đường Lâm và thành cổ Sơn Tây trong 1 ngày 3

Đường Lâm đón khá đông khách du lịch từ mọi nơi nhất là vào những ngày cuối tuần. Nếu tìm địa điểm du lịch gần Hà Nội hấp dẫn thì làng cổ Đường Lâm đúng là một lựa chọn lý tưởng. Tạm xa cái náo nhiệt của thành phố, về Đường Lâm người ta như muốn tìm về nơi vẫn còn lưu giữ hồn làng Việt cổ, tìm lại quá khứ của vùng đất xưa. Những cảnh quan hiếm có chốn thành thị khiến du khách như bước vào một thế giới hoàn toàn khác.

Khá gần quốc lộ 32 nhưng Đường Lâm vẫn giữ được nét cổ xưa khác biệt hấp dẫn du khách. Cổng làng Mông Phụ tại Đường Lâm là chiếc cổng duy nhất tiêu biểu cho cổng làng cổ ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc bộ còn tồn tại. Dưới bóng đa cổ thụ, bên cạnh ao sen, cổng làng Mông Phụ án ngữ trên con đường chính dẫn vào làng hứa hẹn dẫn dắt du khách tới khám phá, chiêm ngưỡng những cảnh quan có một không hai. Vững chãi và cổ điển, đá ong có mặt trong mọi kiến trúc xây dựng nhiều thế kỷ trước của Đường Lâm như cổng làng, nhà ở, đình chùa…

Khám phá làng cổ Đường Lâm và thành cổ Sơn Tây trong 1 ngày 4

Trong làng, từ giếng nước cho đến những bức tường đều mang sắc nâu vàng đặc trưng của những khối đá ong xù xì được đẽo gọt vuông vắn, đẹp mắt. Thuộc top 4 ngôi làng cổ xưa nhất Hà Nội, trải qua bao năm tháng những viên gạch ong mộc mạc của Đường Lâm vẫn giữ nguyên nét rêu phong, thâm trầm, bền bỉ cùng thời gian, giữ cho cuộc sống nơi đây vẻ u tịch mà yên bình. Cổng và tường đá ong đơn sơ nhưng lại là nơi níu chân du khách nhiều nhất. Thứ vật liệu ít gặp trong kiến trúc hiện đại toát lên vẻ thuần phác đậm nét văn hóa làng cổ Việt Nam truyền thống.

Khám phá làng cổ Đường Lâm và thành cổ Sơn Tây trong 1 ngày 5

Trước kia đá ong chỉ dùng để làm tường bao, tường nhà, giếng nước, giờ chúng còn được chế tác thành những đồ trang trí như tượng đá, bàn ghế, chậu hoa… Người ưa dùng đá ong không ngoài mục đích tạo cảnh quan mộc mạc, gần gũi nhưng vô cùng tinh tế. Từ khi được công nhận là làng cổ đầu tiên, du khách về đây càng đông hơn. Có biết bao người xa quê muốn trở về nơi đây để được thanh thản “sống chậm”, được tận hưởng không khí thực sự “xưa” của đất nước thuở nào. Ý thức được giá trị thẩm mĩ và kiến trúc cũng như giá trị văn hóa, xã hội của loại hình di sản độc đáo này, người dân xứ Đoài vẫn đang gắng sức gìn giữ nếp nhà cổ mà cha ông để lại đồng thời tận dụng phát triển vẻ đẹp độc đáo của loại vật liệu truyền thống này.

Tham quan thành cổ Sơn Tây – Thành đá ong có một không hai

Thành cổ Sơn Tây được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1994. Trong thành bao gồm nhiều công trình như: Kỳ Đài (cột cờ), Hành Cung (Vọng cung), Đoan môn, Dinh tổng đốc, Bố chính, Án sát, Đề đốc, Kho tiền, Kho vũ khí, Kho chứa lương thực. Trải qua những thăng trầm và biến cố lịch sử, nhiều công trình của thành đã không còn nguyên vẹn nhưng vẫn giữ được những dấu tích của mình. Tham gia vào kiến trúc của tòa thành, đá ong là một trong những điểm thu hút khách tham quan nhất bởi nét độc đáo của nó.

Khám phá làng cổ Đường Lâm và thành cổ Sơn Tây trong 1 ngày 6

Với sắc màu đặc trưng vốn có, đá ong tô đậm vẻ kiên cố, thăng trầm của tòa thành quân sự có tuổi đời gần 200 năm. Thành Sơn Tây là một trong bốn thành đẹp và tiêu biểu được xây dựng cùng thời của Bắc Kỳ. Đây là tòa thành cổ duy nhất được xây bằng đá ong nên còn gọi là “Thành đá ong”. Tổng thể tòa thành hình vuông, mỗi chiều dài khoảng hơn 400m, cao 5m, được xây theo kiểu Vauban (có chỗ lồi ra để đặt các pháo đài) với 4 cổng Tả, Hữu, Tiền Hậu quay ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Chiến tranh và tác động của thời gian, thiên nhiên đã làm hư hại nhiều đoạn tường và cổng thành nhưng càng làm tôn lên vẻ nguyên thủy, rêu phong vốn có của thứ vật liệu đặc trưng đất Sơn Tây.

Khám phá làng cổ Đường Lâm và thành cổ Sơn Tây trong 1 ngày 7

Vào nội thành từ hướng Nam, Kỳ Đài cao lớn là công trình thu hút sự chú ý đầu tiên. Cao khoảng 18m, cột cờ được xây trên một bệ hai tầng hình chóp vuông cụt bằng đá ong. Bố cục cân đối tạo nên những đường nét khoẻ khoắn, vững vàng trên nền hoàng thổ, lỗ chỗ của đá ong tạo dáng vẻ hài hòa, thanh thoát cho toàn thể công trình. Quốc kỳ tung bay trên đỉnh cột cờ trang trọng, hiên ngang như khẳng định niềm tự hào của dân tộc về một đất nước ngàn năm văn hiến.

Xem thêm những hình ảnh đẹp về thành cổ Sơn Tây tại bài viết: Về Sơn Tây khám phá vẻ đẹp thành cổ 200 năm

Bước trên từng bậc đá phủ rêu xanh dẫn lên vọng gác khiến bất kì ai cũng như được một lần trở về không gian, thời gian của quá khứ, lắng mình trong chiều sâu của lịch sử. Dấu xưa như còn vẹn nguyên trên từng nếp gạch đã “ngậm màu mưa nắng”. Không hào nhoáng, lộng lẫy nhưng những nét cổ kính, vững chãi không hề phai nhòa đủ để nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích tìm hiểu lịch sử – kiến trúc – văn hóa của đất nước.

Vui lòng đánh giá bài viết
Share.

Comments are closed.